Câu chuyện

Những câu chuyện hay – Phần 3

Dựa vào bản thân

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó: “Mẹ ơi ! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được !”.

“Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” – Mẹ nói.

“Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không cần đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”.

“Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”.

“Nhưng em giun đất cũng không có xương và cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”.

“Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”.

Ốc sên con bật khóc, nói : “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng không che chở chúng ta”.

“Vì vậy mà chúng ta có cái bình ! – Ốc sên mẹ an ủi con – Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta”.

Bài học này cũng hay nhưng tớ muốn nói 1 câu bạn hãy tự dựa vào bản thân mình trước khi nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Nhưng khi bản thân ko thể giải quyết thì đừng ngại nhờ sự giúp đỡ của người khác. Vì tất cả chúng ta đều là bạn.

Tầng 80

Có hai anh em sống trên tầng 80 của một chung cư cao ngất. Một ngày kia về nhà sau giờ làm việc, họ choáng váng khi nhận ra thang máy của chung cư bị hư, họ buộc phải leo bộ lên căn hộ của mình.

Sau khi vất vả leo đến tầng 20, thở hổn hển và mệt mỏi, họ quyết định để những túi xách của mình lại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người em bắt đầu lầm bầm và sau đó cả hai cãi nhau. Họ vừa tiếp tục những bước chân nặng nề của mình, vừa cãi nhau cho đến tầng 60. Bỗng họ nhận ra rằng mình chỉ còn có 20 tầng nữa thôi. Họ quyết định ngừng cãi và tiếp tục leo lên trong sự bình an. Họ yên lặng leo lên và cuối cùng cũng đến được căn hộ của mình. Đến nơi họ mới phát hiện đã để chìa khóa nhà trong những túi xách đã để lại ở tầng 20.

Câu chuyện này cũng tựa như cuộc đời chúng ta… Nhiều người trong chúng ta sống trong sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô và bạn bè khi còn bé. Chúng ta hiếm khi thực hiện những gì mình thật sự muốn, luôn ở dưới rất nhiều áp lực và sự căng thẳng đến nỗi đến năm 20 tuổi, chúng ta mệt mỏi và quyết định vứt bỏ gánh nặng này đi.

Chúng ta sống một cách năng nổ và có những ước mơ lớn. Nhưng khi đến 40 tuổi, chúng ta bắt đầu đánh mất tầm nhìn và những giấc mơ của mình, cảm thấy không thỏa mãn và bắt đầu phàn nàn, chỉ trích. Đến tuổi 60, chúng ta nhận ra mình không còn nhiều thì giờ nữa để phàn nàn và chúng ta bước đi trong sự bình an, thanh thản. Chúng ta nghĩ không còn điều gì làm cho mình thất vọng nữa. Và rồi chợt nhận ra rằng không thể nào ngơi nghỉ trong sự bình an vì chúng ta còn những giấc mơ chưa thực hiện được – những giấc mơ mà chúng ta đã vứt bỏ cách đây 60 năm.

Vậy ước mơ của bạn là gì?

Hãy đi theo những ước mơ của mình để không phải sống trong sự hối tiếc.
Phần quan trọng nhất

“Phần quan trọng nhất trong cơ thể của mỗi chúng ta là gì?”. Đó là câu hỏi mà mẹ đã hỏi tôi lâu lắm rồi, và cũng đã nhiều lần lắm tôi chưa tìm được một lời giải thích xác đáng để thuyết phục được mẹ.

Khi còn bé, tôi cho rằng đôi tai là quan trọng nhất vì chúng thật sự cần thiết để tôi lắng nghe tiếng giảng bài của thầy giáo và những âm thanh chung quanh mình.

– Không phải như thế, con yêu – mẹ nói – Rất nhiều người mất thính lực vẫn sống và làm việc được đó thôi.

Vài năm sau đó tôi cho rằng đôi mắt là câu trả lời hoàn hảo nhất, nhưng mẹ vẫn không đồng ý bởi, theo mẹ, nhiều người khiếm thị vẫn thành công trong học tập và công việc.

Thời gian trôi qua, tôi đã bắt đầu trưởng thành nhưng lời giải đáp cho câu đố của mẹ vẫn còn để ngỏ.

Xem thêm: Những câu chuyện hay – Phần 1

Năm ngoái, ông nội tôi qua đời. Tất cả mọi người đều đau buồn và ai cũng khóc. Thậm chí bố tôi cũng khóc, và đó là lần thứ hai tôi nhìn thấy bố khóc. Trong ngày đưa tang ông, mẹ đến bên tôi và nói: “Con đã biết phần nào là quan trọng nhất hay chưa?”. Tôi thật sự bất ngờ khi mẹ hỏi vào lúc này, mặc dù tôi biết câu hỏi đầy ý nghĩa này của mẹ vẫn chưa được tôi giải đáp.

Mẹ nhìn khuôn mặt bối rối của tôi: “Câu hỏi này rất quan trọng. Nó cho con biết rằng con vẫn đang tồn tại trong cuộc đời này. Mỗi câu trả lời trước kia của con đều không làm hài lòng được mẹ nhưng hôm nay mẹ muốn con ghi nhớ bài học này”.

Mẹ nói trong nước mắt: “Đó là đôi vai”. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, mẹ tiếp tục: “Khi một người bạn hay một người yêu quý nào đó của con đau buồn, họ cần một điểm tựa để dựa đầu vào đó và khóc. Và đôi vai của con sẽ giúp được họ. Mỗi người đều cần có một bờ vai của ai đó để khóc một vài lần trong cuộc đời. Mẹ chỉ hy vọng chung quanh con có đủ tình thương yêu và những bờ vai ấm áp để con có thể dựa vào mỗi khi con cảm thấy cần thiết. Điều quý giá nhất trong mỗi chúng ta không phải là chỉ nghĩ riêng cho bản thân chúng ta, mà là một sự cảm thông với những nỗi buồn của những người chung quanh ta. Mọi người có thể quên những gì con nói…, quên những gì con làm…, nhưng mọi người sẽ không bao giờ quên được bờ vai của con đã từng gánh đỡ những đau khổ và mất mát của họ”.

Tự tin và hết sức cố gắng sẽ thành công

Ngày xưa, có một chàng trai yêu tha thiết một người con gái. Chàng trai lãng mạn gấp 1000 con hạc giấy làm quà tặng người yêu. Lúc ấy, anh chỉ là một nhân viên quèn, tương lai không quá sáng sủa, nhưng anh và cô gái ấy, họ đã rất hạnh phúc. Cho tới một ngày…

Người con gái nói với anh rằng cô sẽ đi Paris. Không bao giờ trở lại. Cô còn nói không thể tưởng tượng được một tương lai nào cho cả hai người. Vì vậy, hãy đường ai nấy đi, ngay lúc này… Trái tim tan nát, anh đồng ý.

Khi đã lấy lại được tự tin, anh làm việc hăng say ngày đêm, không quản mệt nhọc cả thể xác lẫn tinh thần chỉ để làm một điều gì đó cho bản thân. Cuối cùng với những nỗ lực phi thường và sự giúp đỡ của bạn bè, anh thành lập được công ty của riêng mình.

“Tôi phải thành công trong cuộc sống” – Anh luôn tự nói với bản thân – “Và sẽ không bao giờ thất bại trừ phi không còn cố gắng”. Một ngày mưa, khi đang lái xe, anh nhìn thấy đôi vợ chồng già đang đi dưới mưa cùng chia sẻ với nhau một chiếc ô mà vẫn ướt sũng. Chẳng mất nhiều thời gian để anh nhận ra đó là bố mẹ bạn gái cũ của mình. Trái tim khao khát trả thù mách bảo anh lái xe chầm chậm bên cạnh đôi vợ chồng để họ nhìn thấy mình trong chiếc ô tô mui kín sang trọng. Anh muốn họ biết rằng anh không còn như trước, anh đã có công ty riêng, ôtô riêng, nhà riêng… Anh đã thành đạt! Trước khi anh có thể nhận ra, đôi vợ chồng già đang bước tới một nghĩa trang. Anh bước ra khỏi xe và đi theo họ… Và anh nhìn thấy người bạn gái cũ của mình, một tấm hình cô đang mỉm cười ngọt ngào như đã từng cười với anh, từ trên tấm bia mộ. Bố mẹ cô nhìn anh. Anh bước tới và hỏi họ tại sao lại xảy ra chuyện này. Họ giải thích rằng cô chẳng tới Pháp làm gì cả. Cô bị ốm nặng vì ung thư. Trong trái tim, cô đã tin rằng một ngày nào đó anh sẽ thành đạt, nhưng cô không muốn bệnh tật của mình cản trở anh…Vì vậy cô chọn cách chia tay. Cô đã muốn bố mẹ đặt những con hạc giấy anh tặng bên cạnh cô, bởi nếu một ngày số phận mang anh về, cô muốn anh có thể lấy lại một vài con hạc giấy. Anh khóc… Cách tồi tệ nhất để nhớ một ai đó là ngồi ngay bên cạnh họ nhưng biết rằng bạn không thể nào có được họ và sẽ không bao giờ được nhìn thấy họ nữa. Tiền là tiền còn tình yêu thì thiêng liêng. Trong cuộc tìm kiếm sự giàu có vật chất, chúng ta hãy dành thời gian để tìm kiếm khoảnh khắc bên những người yêu thương. Bởi biết đâu, một ngày nào đó, tất cả chỉ còn là hoài niệm.

Cát và đá

Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết vị tha với những lỗi lầm của người khác và ghi nhớ ơn khi ai đó làm điều tốt cho mình.

Chuyện kể về hai người bạn băng qua sa mạc. Trên chặng đường đi, họ tranh cãi với nhau, người này đã đánh vào mặt người kia một cái.

Người bị đánh lặng lẽ không nói một lời, rồi viết lên trên cát: “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã đánh vào mặt tôi”.

Họ vẫn tiếp tục đi cho đến khi nhìn thấy một ốc đảo và quyết định dừng lại tắm. Hai người loay hoay tìm chỗ, do không chú ý, người bị đánh lúc trước sa lầy vào vũng bùn, dần dần bị lún xuống. Càng vùng vẫy càng bị lún, anh kêu cứu.

Người bạn kia thấy vậy vội vã chạy đến cứu. Sau khi hoàn hồn thoát chết, người được cứu viết lên một phiến đá gần đó: “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

Người bạn kia hỏi: “Khi tôi đánh anh, anh viết lên cát. Bây giờ anh lại viết lên một phiến đá, tại sao vậy?”

Người vừa được cứu vừa bị đánh trả lời: “Khi ai đó làm đau chúng ta, chúng ta nên viết trên cát nơi gió có thể xoá đi dễ dàng. Nhưng khi được ai đó cứu giúp, chúng ta phải khắc sâu vào đá nơi không ngọn gió nào có thể xoá mờ”.

Bạn hãy học cách viết nỗi đau trên cát, khắc niềm vui lên đá. Trên hết, hãy học cách vị tha và bày tỏ lòng biết ơn.

Câu chuyện người lính

Câu chuyện kể về một người lính cuối cùng cũng được trở về nhà sau cuộc chiến tranh khốc liệt. Anh gọi điện cho bố mẹ từ San Francisco: “Bố mẹ, con sắp về nhà, nhưng con có chuyện muốn hỏi. Con có một người bạn, và con muốn bạn đó về cùng với con”.

Bố mẹ anh trả lời: “Không hề gì, bố mẹ sẵn lòng, rất vui được gặp bạn con”.

Anh con trai nói tiếp: “Nhưng con muốn bố mẹ biết một điều. Cậu ấy bị thương nặng, cụt mất một cánh tay và một chân. Giờ cậu ấy không còn bà con thân thích, không còn nơi nào để ở, không biết đi đâu. Con muốn cậu ấy sống cùng với chúng ta, được không ạ?”.

“Điều đó thật khó, con trai ạ. Bố mẹ rất tiếc, nhưng tốt hơn hết chúng ta nên tìm cho cậu ấy một chỗ nào đó để ở”.

“Không, con vẫn muốn cậu ấy sống cùng mình”.

Ông bố lên tiếng: “Con có biết mình đang nói gì không? Một người như vậy sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình mình. Chúng ta có cuộc sống riêng, và không nên để ai đó can thiệp, ảnh hưởng đến chúng ta. Bố nghĩ con nên về một mình và quên anh bạn đó đi. Anh ta sẽ tự tìm cách xoay xở”.

Nghe vậy, người con trai cúp máy. Từ hôm đó bố mẹ anh không có tin tức gì của con trai nữa. Rồi vài ngày sau họ nhận được điện thoại của cảnh sát ở San Francisco. Cảnh sát nói con trai họ đã chết vì ngã từ trên toà nhà cao tầng xuống. Cảnh sát cho rằng đây là vụ tự tử.

Quá đau khổ, bố mẹ người lính bay ngay tới San Francisco và được đưa tới nhà xác của thành phố để nhận dạng thi thể con trai mình. Họ đã nhận ra anh ấy, nhưng thật đau xót, anh chỉ có duy nhất một tay và một chân.

Bố mẹ của người lính trong câu chuyện cũng giống khá nhiều người trong cuộc sống hiện nay – những người dễ chấp nhận, chào đón ai ưa nhìn, có điều kiện tốt, nhưng khó chấp nhận kẻ có hoàn cảnh bất hạnh, gây phiền toái cho mình.

Cũng thật may là vẫn còn người có tấm lòng yêu thương bao la, chấp nhận mọi hoàn cảnh khó khăn của người khác. Ấy mới là lòng yêu thương vô điều kiện.

Bình yên

Vị vua nọ đã treo giải thưởng khá lớn cho ai vẽ được một bức tranh hoàn hảo về sự bình yên. Rất nhiều hoạ sĩ tham gia. Nhà vua xem xét kĩ lưỡng tất cả những bức tranh và cuối cùng chọn ra hai bức xuất sắc nhất.
Nhưng vì giải thưởng chỉ có một nên ông buộc phải lựa chọn.

Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh yên bình của một cái hồ. Mặt hồ là tấm gương sáng in bóng những dãy núi cao xung quanh. Phía trên là bầu trời xanh phủ đầy mây trắng trôi lững lờ. Tất cả mọi người đều nghĩ đó là khung cảnh yên bình nhất mà người hoạ sĩ có thể vẽ nên bằng cây cọ của mình.

Bức tranh còn lại cũng là phong cảnh của những dãy núi. Tuy nhiên, những dãy núi này lởm chởm và trần trụi dưới bầu trời đang nổi giận trút cơn mưa lớn cùng những ánh chớp ngang trời. Trên những ngọn núi là một dòng thác dữ dội đang ầm ầm đổ xuống. Một bức tranh không có chút gì yên ả cả.

Nhưng khi nhìn kĩ bức tranh, nhà vua thấy phía sau dòng thác hung tợn kia một cái tổ chim nhỏ giữa khe núi đá. Trong tổ, chim mẹ đang ra sức bảo vệ những đứa con. Một hình ảnh thật xúc động.

Cuối cùng nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai bởi: “Bình yên không có nghĩa là ở một nơi không có tiếng ồn, không có xung đột, không có đau khổ. Bình yên nghĩa là giữa tất cả những khó khăn, vất vả đó, trong sâu thẳm trái tim vẫn cảm thấy an bình. Đó mới thật sự là ý nghĩa của bình yên”
Bài học từ cây lê

Đừng đánh giá cuộc sống chỉ thông qua một giai đoạn khó khăn. Hãy kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn, chắc chắn những điều tốt đẹp hơn đang chờ bạn phía trước.

Một người cha có 4 người con trai. Ông muốn dạy các con mình không nên đánh giá mọi việc quá vội vàng nên đã bảo lần lượt từng người trong số họ đến thăm một cây lê ở rất xa. Người con cả ra đi vào mùa đông, người con thứ hai đi vào mùa xuân, người con thứ ba vào mùa hè và người con út vào mùa thu.

Khi những người con quay về, ông đã gọi tất cả lại và yêu cầu họ tả lại những gì họ nhìn thấy.

Người con cả nói rằng cây lê đó xấu xí, khô cằn.

Người con thứ hai không đồng ý và nói nó có có rất nhiều chồi lộc và đầy hứa hẹn.

Người con thứ ba thì nói cây lê đó hoa lá sum sê, mùi hương ngọt ngào và trông rất đẹp. Đó là cây lê đẹp nhất mà anh từng thấy.

Người con út không đồng ý với 3 người anh. Anh nói rằng cây lê đó trĩu nặng trái chín.

Nghe xong, người cha giải thích cho các con rằng tất cả họ đều đúng bởi họ đã nhìn thấy cây lê vào những mùa khác nhau. Tuy nhiên, những gì họ nhìn thấy chỉ là một mùa trong đời cây lê.

Ông bảo rằng họ không thể đánh giá một cái cây, hay một con người chỉ qua một mùa hay một giai đoạn và rằng bản chất của con người cũng như những niềm vui và tình yêu trong cuộc sống chỉ có thể được đánh giá vào giai đoạn cuối khi tất cả các mùa đã đi qua.

Nếu bạn quyết định bỏ cuộc khi mùa đông đến, bạn sẽ bỏ lỡ những hứa hẹn của mùa xuân, vẻ đẹp của mùa hè và sự thu hoạch của mùa thu.

Xem thêm: Những câu chuyện hay – Phần 2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *