Bài học bên trảng cỏ
Ngày kia, một thầy giáo và học viên của mình cùng ngồi nghỉ dưới tán cây lớn, gần đó là trảng cỏ rộng. Chợt người học viên hỏi: “Thầy ạ, em cảm thấy rối trí trong việc làm sao tìm được người bạn đời như ý muốn. Thầy có thể giúp em chăng?”.
Thầy sau một lúc im lặng nói: “Ừm, câu hỏi khá khó nhưng cũng đơn giản…”
Học viên ngạc nhiên: “Vậy là sao hả thầy?”
Thầy bèn nói: Hãy nhìn kia, trảng cỏ rộng lớn ấy. Bây giờ em ra đó, băng qua nó nhưng nhớ là không được quay đầu lại, chỉ tiến thẳng tới trước thôi. Trên đường đi em cố tìm xem có cây cỏ nào xinh đẹp thì nhổ lên và đem về cho thầy. Chỉ một cây cỏ thôi, không phải nắm nhé. Giờ thì đi đi.
Học viên: Dạ được. Thầy đợi chút nhé.
Ít phút sau…
Học viên: Em đã về…
Thầy: Ừ, mà này, thầy không hề thấy cây cỏ xinh đẹp nào như đã dặn trên tay em cả.
Người học viên: Trên đường đi, em thấy ít cây cũng gọi là xinh đẹp, nhưng em nghĩ rằng mình có thể tìm được cây đẹp hơn, vì vậy em đã không chọn. Cứ thế, và rồi em đi đến cuối trảng cỏ mà chưa chọn được cây nào cả. Và vì thầy dặn không đi ngược lại nên em đành về tay không.
Thầy: Đó là những gì xảy đến trong cuộc sống của chúng ta.
* Cỏ –> Những người ở quanh em.
* Cây cỏ xinh đẹp –> Người thu hút em.
* Trảng cỏ –> Thời gian.
Xem thêm: Những câu chuyện hay – Phần 1
Khi tìm kiếm một người để chung sống cùng nhau suốt đời, đừng luôn so sánh với những người khác và hy vọng mình sẽ kiếm được người tốt nhất. Vì như thế, em sẽ chỉ đánh mất thời gian quý báu trong đời, hãy nhớ rằng “Thời gian không bao giờ quay trở lại”. Thay vào đó, học cách chấp nhận con người của cô/anh ấy.
Đường hoa 200 dặm
Một người đàn ông dừng chân tại cửa hiệu hoa tươi và đặt hàng những loài hoa thật lạ để gửi tặng người mẹ thân yêu sống cách đó hai trăm dặm đường.
Vừa bước chân ra khỏi xe, anh nhìn thấy một cô bé đang ngồi bên đường khóc nức nở.
Anh tiến lại gần hỏi tại sao cô bé lại khóc và nhận được câu trả lời trong nước mắt: “Cháu muốn mua một bông hồng đỏ tặng mẹ cháu. Nhưng cháu chỉ có 75 xu và bông hồng thì giá 2 đôla.”
Người đàn ông mỉm cười và nói: “Hãy đi với chú nào, chú sẽ mua cho cháu bông hoa hồng.”
Khi đặt xong điện hoa gửi mẹ và mua cho cô bé bông hồng, hai người cùng bước ra khỏi cửa hiệu. Anh đề nghị chở cô bé về nhà. Cô bé hớn hở nói: “Vâng ạ. Cảm ơn chú. Chú có thể đưa cháu tới với mẹ cháu rồi.”
Cô bé chỉ đường cho người đàn ông tới nghĩa trang, nơi cô bé đặt bông hoa hồng bên cạnh một tấm bia mộ còn mới.
Người đàn ông trở lại cửa hiệu, hoãn lại yêu cầu gửi điện hoa, chọn một bó hoa lớn thật rực rỡ và lái xe hơn 200 dặm để trở về ngôi nhà của người mẹ thân yêu.
Đừng bao giờ đợi đến khi quá muộn mới thể hiện tình yêu của mình, bạn nhé!
Chỉ có tình yêu còn mãi…
Ngày xửa ngày xưa, có một hòn đảo nơi tụ họp của mọi cảm xúc: Hạnh phúc, Nỗi buồn, Tri thức… và Tình yêu.
Một ngày kia, các cảm xúc được thông báo rằng hòn đảo sắp chìm. Tất cả vội vã dựng cho mình chiếc thuyền để rời hòn đảo. Nhưng duy nhất Tình yêu ở lại. Tình yêu vẫn muốn ở lại cho tới tận giây phút cuối cùng.
Khi hòn đảo gần như chìm hẳn xuống dòng nước thẳm, Tình yêu quyết định cầu cứu sự trợ giúp.
“Giàu có ơi, bạn có thể cho tôi đi cùng được không?”
Giàu có lạnh lùng đáp lại: “Không, tôi không thể. Có rất nhiều vàng và bạc trên con thuyền của tôi. Không còn chỗ cho bạn đâu.”
Tình yêu thất vọng quay sang hỏi Phù hoa vừa lướt qua trên một con thuyền lộng lẫy: “Phù hoa ơi, giúp tôi với!”
Nhưng Phù hoa cũng chỉ đáp lại bằng một cái lắc đầu: “Tôi không thể giúp bạn đâu, Tình yêu ơi. Bạn ướt mềm và như thế bạn sẽ làm hỏng thuyền của tôi.”
Nỗi buồn đang đứng gần ngay Tình yêu nhưng khi Tình yêu lên tiếng: “Nỗi buồn ơi, cho tôi đi với bạn nhé!” lại rầu rĩ trả lời: “Ôi không đâu, Tình yêu. Tôi quá buồn đến mức tôi chỉ muốn một mình thôi.”
Hạnh phúc đi ngang qua Tình yêu nhưng vui vẻ đến nỗi không nghe thấy Tình yêu đang gọi tên mình.
Đột nhiên, có một giọng nói vang lên: “Lại đây nào, Tình yêu, tôi sẽ đưa cháu đi cùng.” Đó là một giọng lớn tuổi trầm ấm. Quá hạnh phúc và vui sướng, Tình yêu thậm chí quên không hỏi họ sẽ đi đâu.
Khi cả hai cập bến một hòn đảo khô ráo, mỗi người đi một đường. Chợt nhớ ra, Tình yêu bèn hỏi Tri thức: “Ai vừa giúp cháu vậy ạ?”
“Đó chính là Thời gian.” Tri thức trả lời.
“Thời gian ạ? Nhưng tại sao Thời gian lại giúp cháu?”
Tri thức mỉm cười và đáp lại bằng những lời thông thái: “Bởi vì chỉ có thời gian mới có thể hiểu được Tình yêu giá trị đến mức nào.”
Câu chuyện bên cây cầu
Có một cây cầu bắc qua con sông lớn, hầu như suốt ngày, cây cầu nằm nguyên đó trên làn nước lững lờ chảy giữa đôi bờ và tàu bè tự do đi lại hai phía. Nhưng vào một số thời điểm nhất định trong ngày sẽ có chuyến tàu chạy dọc qua đây, khi đó, cây cầu sẽ được vặn chốt chuyển sang một phía của con sông.
Luôn có một người gác ghi ngồi trong cái lán nhỏ bên bờ sông làm nhiệm vụ điều khiển cần gạt để xoay chốt ghi vào đúng vị trí mỗi khi con tàu đi qua.
Một buổi tối nọ, như mọi lần, người gác ghi đang ngồi chờ chuyến tàu cuối cùng trong ngày giữa ánh trời chạng vạng tối, từ xa ông đã nhìn thấy ánh đèn tàu rọi tới.
Ông bước đến bên thanh ghi và chờ cho tới lúc đoàn tàu đi đến vị trí được quy định thì bắt đầu vặn chốt xoay cầu. Ông xoay cây cầu vào vị trí như mọi lần, nhưng rồi ông kinh hoàng khi phát hiện, cái chốt ghi đã hỏng.
Nếu không giữ chắc chắn được cây cầu ở đúng vị trí, nó sẽ đung đưa lên xuống và khi đoàn tàu đi qua, chắc chắn sẽ bị trật khỏi đường ray rồi lao xuống sông. Đây lại là đoàn tàu khách chở rất nhiều người.
Người gác ghi liền xoay cây cầu sang ngang rồi vội vã chạy sang bờ bên kia, ở đó có chiếc ghi bằng đòn bẩy để giữ chốt cầu theo cách thủ công. Ông sẽ phải giữ thật chắc cái đòn bẩy khi con tàu đi qua.
Lúc này, ông đã nghe thấy tiếng rầm rập lao tới của đoàn tàu, ông nắm chặt chiếc đòn bẩy, nghiêng về phía sau, dồn toàn lực lên nó để đóng chốt giữ chặt cây cầu. Ông cứ liên tiếp dồn lực như thế để giữ chốt. Biết bao nhiêu sinh mạng đang phụ thuộc vào sức lực của ông lúc này.
Bỗng đúng lúc đó, ông nghe thấy tiếng gọi từ phía cái lán nhỏ bên kia sông vọng tới, tiếng gọi làm máu trong người ông như đông cứng lại: “Bố ơi, bố đâu rồi?”. Cậu con trai bốn tuổi đang lẫm chẫm lên cầu để tìm ông.
Ngay lập tức ông thét lên: “Chạy đi! Chạy đi con!” Nhưng con tàu đã đến quá gần, đôi chân bé nhỏ chẳng thể thoát kịp nữa. Người đàn ông gần như đã định vứt bỏ chiếc đòn bẩy đang ra sức giữ chặt để chạy tới chụp lấy đứa con nhỏ, giành khỏi lưỡi hái tử thần.
Nhưng rồi ông hiểu rằng nếu làm thế, ông sẽ không quay lại kịp để giữ đòn bẩy nữa. Hoặc là toàn bộ những người trên tàu hoặc là đứa con nhỏ của ông phải chết.
Một giây quyết định lướt qua óc. Và rồi đoàn tàu tiếp tục lướt qua vùn vụt, an toàn. Không ai trên tàu biết rằng có một thân thể nhỏ bé đã bị nghiền nát tàn nhẫn dưới sức nặng của con tàu trên đà lao tới.
Không ai hay biết có một dáng hình đầy thương cảm của người đàn ông đang thổn thức, vẫn giữ chặt đòn bẩy chốt cầu sau khi con tàu đã đi qua rất lâu.
Và cũng không ai hay những bước chân thê lương nhất trong cuộc đời người gác ghi trên con đường về nhà để báo cho vợ biết về cái chết thương tâm của đứa con trai bé nhỏ…
Một bài học học đáng trân trọng về tinh thần trách nhiệm và một tấm gương hy sinh cao cả phải không các bạn
Ba người thầy vĩ đại
Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi Giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: “Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?”
Hasan đáp: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.
Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: “Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm.”
Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: “Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!” Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: “Có trộm được gì không?” và ông ta đều đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”. Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.
Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!”
Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.
Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé:
“Con tự thắp cây nến này phải không?” Đứa bé đáp: “Thưa phải.” Đoạn ta hỏi:
“Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?”
Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?”
Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.
Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật”.
Điều tốt đẹp
Điều quan trọng là bạn hãy đừng tự hào rằng mình đã hơn người khác mà hãy tự hào khi mình đã hơn chính mình ngày hôm qua.
Có khi nào buổi sáng bạn thức dậy mà trong lòng nặng trĩu. Cho dù ánh nắng ban mai rực rỡ ngoài sân, cho dù bầu trời xanh trong và tiếng chim hót líu lo cũng không làm bạn vui hơn được. Hôm qua, bạn vừa mất việc, vừa bỏ lỡ một dịp may hiếm có. Bạn vừa phải tiễn một người bạn thân thiết đi xa hay phải nói lời tạm biệt với một mối tình đẹp đẽ. Có bao giờ bạn hỏi rằng tại sao mình luôn phải lo âu, luôn gặp phải những chuyện không vừa ý. Cuộc sống là như vậy. Nhưng trong một phút nào đó, xin bạn dừng lại và nghĩ suy. Và rồi tôi tin rằng khi bạn mất đi một điều gì đó quý giá thì nhất định bạn cũng sẽ nhận lại được một niềm an ủi, một tia hi vọng. Vấn đề là bạn có nhận nó hay là không mà thôi.
Có một câu chuyện kể rằng: Một gia đình nọ có hai anh em rất nghèo nhưng lại có tấm lòng hiếu thuận. Họ cùng nhau lao động cực nhọc vất vả sớm hôm để nuôi dưỡng người mẹ già đang bị mù lòa. Người anh chăm chỉ chuốt từng chiếc nan để làm ra những chiếc dù che mưa thật đẹp. Còn người em bện từng sợi rơm để tạo thành những đôi giày rơm đi rất êm chân. Họ khéo tay và chăm chỉ nên ngày từng ngày làm nên những thứ thật tinh xảo, đẹp mắt mà giá cả thật phải chăng. Mọi người trong vùng ai cũng thích đi giày rơm, che những chiếc dù hoa sặc sỡ.
Thế nhưng người mẹ lúc nào cũng không được vui và thường hay khóc. Ngày nào bà cũng hỏi mọi người xung quanh là: “Hôm nay trời nắng hay mưa?”. Và cho dù câu trả lời như thế nào đi nữa thì những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên gương mặt già nua nhăn nheo ấy.
Một ngày nọ, có người làng giềng đến chơi. Bà lại hỏi câu hỏi ấy và ngồi khóc mà không kịp nghe câu trả lời. Thật ra nguyên nhân là vì, nếu ngày mưa thì sẽ không có ai mua giày rơm của con trai bà vì loại giày này sẽ bị hư khi ướt. Còn ngày nắng thì sẽ không ai che dù đi ra đường cả nên anh con lớn cũng sẽ không bán được hàng. Vì thế, cho dù trời có thế nào đi nữa thì những bất hạnh cũng sẽ đến với một trong hai đứa con yêu quý của bà thì làm sao bà có thể sống vui được. Lắng nghe xong tâm sự của người mẹ mù lòa, người láng giềng ôn tồn nói với bà:
– Bà ơi! Sao bà không nghĩ lại. Nếu trời mưa thì mọi người sẽ che dù và anh con trai lớn sẽ bán được thật nhiều hàng. Anh bán giày sẽ được nghỉ ngơi và có nhiều thời gian hơn để làm ra những đôi giày thật đẹp. Còn khi trời nắng thì mọi người sẽ bước đi trên những đôi giày rơm êm ái đi làm những công việc khác nhau. Anh bán dù vẫn có thể tiếp tục trau chuốt từng đường nét trên những chiếc dù xinh xắn. Thật ra, bà là người hạnh phúc, có hai anh con trai thật tốt. một trong hai anh ngày nào cũng bán được hàng và mang về những bữa cơm đầm ấm. Điều quan trọng là bà phải nghĩ tới những điều tốt đẹp bà ạ!
Thật ra, trong mỗi chúng ta đều có lúc nghĩ suy như người mẹ. Ta chỉ thấy mặt tiêu cực, bi quan trong vấn đề mà hoàn toàn quên rằng còn có những hướng giải quyết tốt đẹp khác. Những thất bại khi qua rồi sẽ cho ta sự mạnh mẽ và vững bước hơn trước cuộc đời. Một cơ hội qua đi không có nghĩa là sẽ không còn những cơ hội khác. Một mối tình dù tan vỡ nhưng chắc chắn sẽ vẫn còn những dư vị ngọt ngào vì dù sao đi nữa thì ta cũng đã từng yêu và được yêu. Và điều quan trọng là bạn hãy đừng tự hào rằng mình đã hơn người khác mà hãy tự hào khi mình đã hơn chính mình ngày hôm qua.
Cũng là một cách cho
Có lần khi còn nhỏ, tôi và bố đứng xếp hàng mua vé vào rạp xiếc. Đến phút cuối chỉ còn lại bố con tôi và một gia đình nữa đứng trước quầy bán vé. Gia đình đó khiến tôi thực sự ấn tượng. Họ có tám đứa con và có lẽ tất cả đều chưa đến tuổi 12.
Nếu nhìn có thể bạn sẽ bảo họ không giàu lắm, bởi họ mặc quần áo không đắt tiền nhưng trông sạch sẽ. Lũ trẻ rất ngoan ngoãn, tất cả đều đứng ngay ngắn trong hàng, cứ hai đứa một nắm tay nhau sau lưng bố mẹ.
Chúng đang háo hức tranh luận với nhau về những chú hề, các chú voi và vô số trò khác chúng sắp được xem tối hôm đó. Nhìn chúng, người ta dễ đoán rằng trước đó chúng chưa được tới rạp xiếc bao giờ. Buổi đi xem hôm nay hẳn sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời với chúng.
Phía đầu “đội ngũ” là bố mẹ lũ trẻ, trông họ thật hãnh diện. Người mẹ đang nắm tay chồng, ánh mắt nhìn chồng như muốn nói: “Trông anh giống như chàng hiệp sĩ trong bộ áo giáp hùng dũng của em”, còn người bố, mỉm cười rạng rỡ tự hào, nhìn vợ như thể đáp lại: “Còn em cũng thật tuyệt vời”.
Khi đó, cô bán vé hỏi người bố muốn mua bao nhiêu chiếc. Ông tự hào nói: “Xin cho tôi tám vé trẻ em và hai vé người lớn để tôi đưa cả nhà vào xem xiếc”.
Cô bán vé nói giá tiền.
Nghe xong, người vợ buông thõng tay chồng, đầu bà cúi xuống còn ông bố bắt đầu run run mấp máy môi. Nghiêng người gần hơn một chút, ông bố hỏi lại: “Cô vừa bảo bao nhiêu cơ?”
Cô bán vé nhắc lại số tiền cho ông.
Rõ ràng là ông bố không có đủ tiền mua vé.
Làm sao ông có thể quay lại để nói với lũ trẻ là ông không có đủ tiền để đưa chúng vào xem xiếc?
Chứng kiến cảnh tượng đó, cha tôi thò tay vào túi, rút ra tờ 20 đô la và thả nhẹ xuống đất. (Mặc dù chúng tôi chẳng giàu có chút nào!). Sau đó, ông cúi xuống, nhặt đồng tiền lên, vỗ nhẹ vai người bố và bảo: “Xin lỗi ông, ông làm rơi tiền này”.
Người đàn ông hiểu hết mọi chuyện. Thực tình ông ấy không ngửa tay xin bố thí nhưng rõ ràng rất trân trọng sự giúp đỡ trong tình huống trớ trêu dở cười dở khóc này.
Ông nhìn thẳng vào mắt cha tôi, nắm chặt tay cha bằng cả hai tay, xiết chặt lên tờ 20 đô, môi run run và giọt nước mắt đã lăn trào trên gò má. Ông nói: “Cảm ơn, xin cảm ơn ngài. Số tiền này quả thực rất ý nghĩa với tôi và cả gia đình tôi”.
Sau đó tôi và bố ra xe ô tô về nhà. Đêm đó chúng tôi không xem được xiếc nhưng rõ ràng chuyến đi không hề vô nghĩa.
Một câu chuyện quá ý nghĩa. Mình rất thích một câu muốn nhận được nhiều bạn hãy cho thật nhiệu Mong rằng các bạn cũng đồng ý với mình.
Xem tiếp: Những câu chuyện hay – Phần 3